am i pregnant or ovulating quiz
am i pregnant or pmsing quiz
amergerzic.com
Kinh Thánh: Math. 7:8; Ê-sai 62:6-7
Cầu nguyện là vấn đề vô cùng quan trọng trong đời sống thuộc linh của Cơ-đốc nhân. Mỗi một Cơ-đốc nhân thật đều nhận thức điều này và cầu nguyện. Tuy nhiên, dầu một số con cái Chúa dành thì giờ cầu nguyện cho nhiều vấn đề, nhưng dường như họ không thành công trong sự cầu nguyện. Dường như họ không tìm ra được phương cách cầu nguyện. Lý do là vì họ chưa khám phá được bí quyết.
Trong mọi việc mình làm, trước hết chúng ta phải có được chìa khóa, tức là bí quyết. Nếu muốn vào một căn phòng bị khóa cửa, chúng ta sẽ không tìm được lối vào nếu không có chìa khóa. Giả sử chúng ta cần hai người khiêng một cái bàn qua một cái cửa. Một số người có thể làm việc đó mà không gặp nan đề gì, nhưng những người khác có thể khiêng cách vụng về, đụng chỗ này, va chỗ kia, ráng sức mà không đi qua cửa được. Kích thước của cái bàn và bề rộng của cánh cửa vẫn như nhau, nhưng sự khác biệt duy nhất là nơi những người khiêng bàn. Một số người biết bí quyết khiêng bàn, trong khi những người khác thì không. Những người tìm được bí quyết làm việc cách tốt đẹp, họ là những người làm việc tài giỏi. Khi một người biết bí quyết, người ấy có thể làm việc nhanh gấp đôi những người khác, trong khi những người không biết bí quyết thì lao khổ vô ích.
Nguyên tắc ấy cũng được áp dụng cho sự cầu nguyện. Ma-thi-ơ chương 7 nói về những nguyên tắc liên quan đến sự cầu nguyện, một trong những nguyên tắc ấy là "Ai tìm sẽ gặp" (c. 8). Tìm kiếm đòi hỏi sự cố gắng. Ai hờ hững, không hết lòng có lẽ sẽ không tìm được gì cả. Tìm kiếm đòi hỏi phải kiên nhẫn và quyết chí, nếu không hết lòng, chúng ta sẽ không gặp được điều mình tìm. Nếu không được Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của mình, chúng ta phải kiên nhẫn và siêng năng tìm kiếm bí quyết cầu nguyện. Đức Chúa Trời đáp lời cầu nguyện của nhiều thánh đồ trong quá khứ vì họ biết bí quyết cầu nguyện. Khi đọc tiểu sử của George Muller là người đã sáng lập nhiều cô nhi viện, chúng ta có thể thấy ông là một người cầu nguyện; suốt cuộc đời mình, ông luôn luôn được Chúa đáp lời cầu nguyện. George Muller đã khám phá được bí quyết. Nhiều Cơ-đốc nhân nhiệt thành cầu nguyện lâu dài, họ cầu nguyện dài dòng, nhưng không được Đức Chúa Trời đáp lời. Trong sự cầu nguyện, lời nói là cần thiết, nhưng lời nói của chúng ta phải đi thẳng vào vấn đề, phải là những lời đụng đến lòng Đức Chúa Trời và cảm động Ngài để Ngài không có cách nào khác hơn là ban cho chúng ta điều mình cầu xin. Cầu nguyện đúng mấu chốt vấn đề là bí quyết cầu nguyện. Những lời nói này đúng với ý muốn của Đức Chúa Trời và Ngài không thể không đáp lời. Chúng ta hãy tìm ra bí quyết cầu nguyện từ một vài câu chuyện minh họa trong Kinh Thánh.
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA ÁP-RA-HAM CHO THÀNH SÔ-ĐÔM (Sáng 18:16-33)
Khi Đức Chúa Trời bày tỏ cho Áp-ra-ham biết Ngài sắp thi hành án phạt trên thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ vì sự gian ác của hai thành phố ấy, Áp-ra-ham chầu chực trước mặt Đức Chúa Trời. Sau đó, ông bắt đầu cầu nguyện cho Sô-đôm. Ông không chỉ mở miệng nói: "Đức Chúa Trời ôi, xin thương xót Sô-đôm và Gô-mô-rơ!" Ông không nài nỉ Đức Chúa Trời rằng: "Ôi, nguyện Sô-đôm và Gô-mô-rơ không bị hủy diệt!" Áp-ra-ham nắm lấy sự kiện Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời công chính (Sáng 18:25), đó là bí quyết cầu nguyện của ông. Với sự khiêm nhường sâu xa và thái độ hết sức tha thiết, ông bắt đầu hỏi Đức Chúa Trời hết câu hỏi này đến câu hỏi khác. Những câu hỏi ấy là lời cầu nguyện của ông. Khi tiếp tục cầu nguyện như vậy, ông đứng vững trên nền tảng là sự công chính của Đức Chúa Trời. Cuối cùng ông nói: "Ôi, nguyện Chúa đừng nổi giận, tôi chỉ xin thưa một lần này nữa: Lỡ chỉ tìm được mười người tại đó thì sao" (c. 32). Sau đó ông không hỏi hay cầu xin gì nữa. Chúng ta được biết sau khi Đức Chúa Trời trả lời, "Chúa đi đường của Ngài" (c. 33). Áp-ra-ham không cố gắng nắm lấy Đức Chúa Trời, ông không cố gắng tiếp tục cầu nguyện. Ông trở về chỗ của mình. Một số người có lẽ nghĩ rằng đúng ra Áp-ra-ham phải tiếp tục nài nỉ Đức Chúa Trời và lẽ ra không nên dừng lại với chỉ mười người. Tuy nhiên, Kinh Thánh bày tỏ rằng Áp-ra-ham biết Đức Chúa Trời và ông biết bí quyết cầu nguyện. Ông nghe Chúa phán: "Tiếng kêu của Sô-đôm và Gô-mô-rơ lớn quá, và... tội của chúng rất nghiêm trọng... tiếng kêu của nó... thấu đến Ta" (cc.20-21). Nếu thậm chí không có được mười người công chính trong một thành phố, thì đó là loại thành phố gì? Chúa yêu sự công chính và ghét sự bất pháp (Hê 1:9). Ngài không thể che đậy tội lỗi mà không phán xét. Sự hủy diệt Sô-đôm và Gô-mô-rơ là hậu quả khủng khiếp của tội lỗi mà các thành ấy phạm, và đó là Đức Chúa Trời bày tỏ sự công chính của Ngài. Khi làm cho các thành phố ấy sụp đổ, Ngài không làm điều gì bất công đối với một người công chính nào, Ngài "giải cứu người công chính là Lót, tức người đã bị khốn khổ vì lối sống dâm loạn của những người bất pháp" (2Phi 2:7). Lời cầu nguyện của Áp-ra-ham đi thẳng vào vấn đề và đã được đáp lời. Không có sự bất công nơi Đức Chúa Trời. Ngài không "giết người công chính chung với kẻ gian ác" (Sáng 18:25). Chúng ta thờ phượng và ngợi khen Ngài.
GIÔ-SUÊ CẦU HỎI VỀ SỰ THẤT BẠI TẠI A-HI (Giô-suê 7)
Khi con cái Đức Chúa Trời tấn công thành A-hi, "họ chạy trốn trước mặt người A-hi. Người A-hi giết một số người của họ, khoảng ba mươi sáu người, và rượt đuổi họ từ trước cổng thành đến Sê-ba-rim và đánh họ nơi sườn đồi. Lòng của dân chúng tan ra như nước" (Giô 7:4-5). Sau chiến thắng oai hùng tại Giê-ri-cô, vì sao con cái Y-sơ-ra-ên phải chịu một sự thất bại khủng khiếp như vậy tại A-hi? Điều duy nhất Giô-suê có thể làm là phủ phục trước mặt Đức Chúa Trời, tìm kiếm Đức Chúa Trời, chờ đợi Ngài và cầu hỏi Ngài về nguyên nhân gây nên sự thất bại này. Giô-suê buồn rầu về hiểm họa Y-sơ-ra-ên đã rơi vào, nhưng ông còn buồn rầu hơn nữa vì danh Chúa bị sỉ nhục, vì vậy, ông cầu hỏi: "Chúa sẽ làm gì cho danh lớn lao của Chúa?" Đó là bí quyết trong lời cầu nguyện của ông. Ông tôn trọng danh Đức Chúa Trời. Mối quan tâm của ông là Đức Chúa Trời sẽ làm gì cho danh Ngài! Khi Giô-suê đến điểm này, Đức Chúa Trời phán. Ngài phán: "Y-sơ-ra-ên đã phạm tội... Do đó con cái Y-sơ-ra-ên không đứng được trước mặt kẻ thù mình... Ta không còn ở cùng các ngươi nữa, nếu các ngươi không trừ bỏ vật đáng diệt giữa vòng các ngươi" (cc. 11-12). Đức Chúa Trời quan tâm đến danh Ngài, và Ngài không thể dung chịu tội lỗi giữa vòng dân Ngài. Ngài nghe Giô-suê cầu nguyện, và hướng dẫn ông khám phá và trừ bỏ tội đã gây nên nan đề. Sau khi Giô-suê hiểu rõ lý do dân Y-sơ-ra-ên thất bại, ông thức dậy lúc sáng sớm để giải quyết vấn đề, và khám phá ra nan đề là tội tham lam của A-can. Khi Y-sơ-ra-ên giải quyết tội ấy, thì họ chuyển bại thành thắng. Dung túng và che giấu tội là làm cho danh Đức Chúa Trời bị sỉ nhục, và cho Sa-tan cơ hội tấn công dân của Đức Chúa Trời. Giô-suê không chỉ mở miệng với lòng nhiệt thành thiếu sáng suốt, nài xin Đức Chúa Trời cứu dân Ngài và làm cho họ lại chiến thắng. Sự sỉ nhục đến trên danh lớn của Đức Chúa Trời làm cho ông buồn rầu, lời nài xin của ông nhắc Đức Chúa Trời xem xét vấn đề này vì chính danh Ngài. Lời cầu nguyện của ông đi thẳng vào vấn đề và được Đức Chúa Trời trả lời. Giô-suê trước hết phải tìm ra lý do thất bại. Ông phải khám phá tội lỗi và xử lý nó trước khi có thể dâng vinh quang cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên.
ĐA-VÍT CẦU HỎI VỀ BA NĂM ĐÓI KÉM (2Sa 21:1-9,14)
"Có một nạn đói suốt ba năm vào thời Đa-vít, năm này qua năm khác; và Đa-vít cầu hỏi Chúa" (c.1). Đa-vít không chỉ mở miệng cầu nguyện: "Đức Chúa Trời ôi, nạn đói này đã kéo dài ba năm, chúng con nài xin Ngài thương xót chúng con. Xin cất nạn đói này khỏi chúng con và năm nay xin cho chúng con được trúng mùa". Không, Đa-vít không cầu nguyện như vậy. "Đa-vít cầu hỏi Chúa". Ông tìm cho ra nguyên nhân của nạn đói. Sự cầu hỏi của Đa-vít đã chạm đúng vào điểm mấu chốt; ông chạm được bí quyết. Đức Chúa Trời phán: "Ấy là vì Sau-lơ, và nhà làm đổ huyết của người, vì người đã giết dân Ga-ba-ôn" (c.1). Đức Chúa Trời không dung chịu tội không giữ một lời thề, và Đa-vít phải xử lý tội ấy. Sau khi ông xử lý điều đó, Lời Đức Chúa Trời ghi lại rằng: "Đức Chúa Trời đoái thương đến xứ" (c.14). Đa-vít biết bí quyết cầu nguyện, lời cầu nguyện của ông đã chạm đúng vào điểm mấu chốt và được Đức Chúa Trời đáp lời.
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA CHÚA GIÊ-SU (Giăng 12:27-28; Math. 26:39-46)
Lời cầu nguyện của Chúa luôn luôn hoàn hảo và luôn luôn chạm đến bí quyết cầu nguyện. Khi từ chối không gặp những người Hi-lạp tìm Ngài, Ngài nói: "Bây giờ hồn Ta bối rối, Ta sẽ nói gì?" (Giăng 12:27). Ngài xem xét vấn đề cách cẩn thận và suy nghĩ: "Ta sẽ nói gì? Cha ơi, xin cứu Con khỏi giờ này". Không, Ngài biết Ngài không thể cầu nguyện như vậy. Ngài nhận biết: "Vì lý do ấy, Ta đã đến giờ này" (c.27), vì vậy, Ngài cầu nguyện: "Cha ơi, xin tôn vinh danh Cha". Lời cầu nguyện này được đáp lời ngay lập tức. "Lúc ấy, trên trời có tiếng nói: Ta đã tôn vinh danh Ta rồi và sẽ tôn vinh danh ấy nữa" (c.28). Nếu đây là cách Con của Đức Chúa Trời, với tư cách là Con Người, đã cầu nguyện với Đức Chúa Trời trên đất, làm sao chúng ta dám mở miệng mình và thốt ra những lời cầu nguyện hấp tấp do sự thúc ép của hoàn cảnh! Chúng ta cần phải học bí quyết cầu nguyện.
Đêm hôm ấy trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-su của chúng ta vô cùng buồn rầu, thậm chí cho đến chết. Ngài đã cầu nguyện như thế nào trong hoàn cảnh như vậy? "Cha ơi, nếu có thể được, xin cho chén này qua khỏi Con, dầu vậy, không theo ý Con, nhưng theo ý Cha" (Math. 26:39). Ngài biết bí quyết cầu nguyện. Ngài không sợ chết, và Ngài không phải không có ý muốn của mình. Nhưng Ngài không chọn lựa ý muốn của mình. Ngài muốn chọn ý muốn của Cha. Cho nên Ngài cầu nguyện lần thứ hai: "Cha ơi, nếu chén này không thể qua khỏi Con, buộc Con phải uống, thì xin ý Cha được nên" (c.42). Ngài cầu nguyện lần thứ ba, "lặp xin như lời trước" (c.44). Khi hoàn toàn sáng tỏ về ý Cha, Ngài nói với các môn đồ: "Giờ đã đến gần... Hãy đứng lên, chúng ta hãy đi" (c.45-46). Nếu Chúa của chúng ta với tư cách là một con người trên đất đã nắm vững bí quyết cầu nguyện và đặt Ngài qua một bên để tìm kiếm ý muốn của Đức Chúa Trời, thì làm sao chúng ta dám tùy tiện thốt lên một vài lời cầu nguyện và kết luận rằng mình đã biện biệt được ý muốn của Đức Chúa Trời!
LỜI CẦU NGUYỆN CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ CA-NA-AN (Math. 15:22-28; Mác 7:24-30)
Khi người đàn bà Ca-na-an ở trong tình trạng buồn thảm, bà kêu lên vì nhu cầu của mình: "Lạy Chúa, Con của Đa-vít! Xin thương xót tôi" (Math. 15:22). Bà có tha thiết cầu nguyện không? Thật sự là có. Nhưng lạ lùng thay, "Chúa không đáp một lời" (c.23). Dường như các môn đồ thông cảm với bà vì họ nói thay bà: "Xin bảo bà ta đi, vì bà cứ kêu la phía sau chúng ta" (c.23). Nhưng Chúa đáp lời họ ra sao? Ngài nói: "Ta được sai đến chỉ vì chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên thôi" (c.24). Câu trả lời của Chúa đã cho người đàn bà bí quyết để đến gần Ngài. Bà thấy Con của Đa-vít chỉ liên hệ đến nhà Y-sơ-ra-ên, không liên hệ đến các quốc gia khác. Cho nên bà đến thờ lạy Ngài và nói: "Chúa ôi, xin giúp đỡ tôi!" (c.25). Bà gọi Ngài là "Chúa", chứ không phải "Con Đa-vít". Bà nhận thức rằng chỉ có nhà Y-sơ-ra-ên mới có quyền dùng danh hiệu ấy, cho nên bà bỏ vị trí sai lầm mình đang đứng, và cầu nguyện với Ngài là Chúa. Lời cầu nguyện này được Ngài đáp: "Không nên lấy bánh của con cái ném cho chó con" (c.26). Câu trả lời có vẻ lạnh lùng đến nỗi nghe dường như Chúa từ chối bà và làm cho bà xấu hổ. Thật ra, Ngài đang tìm cách bày tỏ cho bà chỗ bà đang đứng để bà biết được ý nghĩa của ân điển. Người đàn bà thấy vị trí của mình, bà thấy Chúa, thấy ân điển của Ngài, và nắm lấy bí quyết cầu nguyện, bà nói: "Vâng, thưa Chúa, vì ngay cả chó con cũng ăn bánh vụn trên bàn chủ rớt xuống" (c.27). Lời này làm cho Chúa khen ngợi bà; Ngài nói với bà: "Bà kia ơi, đức tin ngươi thật lớn!" (c. 28). Bà đã tìm được bí quyết cầu nguyện và tự khắc bà có đức tin. Trong Mác chương 7, Chúa phán: "Vì lời này, hãy đi. Quỉ đã ra khỏi con gái ngươi" (c.29). Bà được đáp lời cầu nguyện "vì lời này". Lời của bà đã chạm đến bí quyết cầu nguyện. Đó là điều chúng ta cần học tập. Chúng ta thường cầu nguyện nhưng lời cầu nguyện của chúng ta dường như biến mất giống một viên đá rơi vào đại dương, nó đi mất mà không được Đức Chúa Trời đáp lời. Chúng ta không tìm được chìa khóa đúng đắn để mở cửa, nhưng chúng ta không cố gắng tìm xem vì sao Đức Chúa Trời không đáp lời cầu nguyện của mình. Anh chị em ơi, làm sao chúng ta mong Đức Chúa Trời đáp lại những lời cầu nguyện khờ dại như vậy? Trong tất cả những lời cầu nguyện của mình, trước hết chúng ta phải tìm ra bí quyết, chỉ khi nào làm như vậy chúng ta mới có thể mong được Đức Chúa Trời thường xuyên đáp lời cầu nguyện của mình.
Sau khi xem xét những câu chuyện minh họa liên quan đến sự cầu nguyện, anh chị em hãy ghi nhớ rằng khi cầu nguyện, chúng ta nên lắng nghe tiếng ở bên trong và đừng để hoàn cảnh, tư tưởng hay tình cảm cai trị mình. Khi tiếng êm dịu, nhỏ nhẹ bên trong bảo chúng ta cầu nguyện, khi chúng ta có cảm nhận từ nơi sâu thẳm của bản thể mình rằng mình nên cầu nguyện, chúng ta hãy cầu nguyện ngay. Hoàn cảnh chỉ là phương tiện đẩy chúng ta vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời để trông đợi Ngài; hoàn cảnh không nên làm chủ chúng ta, và chúng ta cũng không nên để hoàn cảnh ngăn cản mình cầu nguyện. Tâm trí chúng ta chỉ nên giúp sắp xếp những cảm giác bên trong, là những cảm giác cần được diễn tả thành lời; tâm trí chúng ta không nên là nguồn của sự cầu nguyện. Cầu nguyện là diễn tả những cảm giác bên trong qua tâm trí, chứ không xuất phát từ tâm trí. Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện theo ý muốn của Đức Chúa Trời khi đang hòa hợp với ý muốn Ngài, đó không phải là dùng [áp lực] ép buộc Đức Chúa Trời làm theo cảm xúc của con người. Nếu tình cảm của chúng ta chưa được xử lý, chúng ta không thể cầu nguyện; lời cầu nguyện sẽ không có lối thoát ra. Một khi ở dưới sự điều khiển của tình cảm mình, chúng ta sẽ cầu nguyện cách thiên nhiên, theo những ao ước chủ quan của mình; chúng ta sẽ khó cầu nguyện theo sự dẫn dắt ở bề trong. Vì vậy, chúng ta cần phải chạm đến bí quyết cầu nguyện. Những khi thấy mình cầu nguyện vô ích, không hiệu quả và không đầy đủ, chúng ta phải xin Chúa ban ánh sáng và tìm cho ra nguyên nhân. Khi cầu hỏi Chúa, chúng ta sẽ tiến đến một điểm mà tại đó chúng ta cảm thấy mình được thông suốt, khi một điều gì đó ở bên trong ra hiệu và tiếng êm dịu, nhỏ nhẹ ở bên trong nói rằng: "Chính là điều đó!" Chúng ta đã tìm được bí quyết cầu nguyện. Khi sử dụng bí quyết ấy và tiếp tục cầu nguyện, chúng ta có thể bảo đảm Đức Chúa Trời sẽ đáp lời cầu nguyện của chúng ta.
Ê-sai 62:6 chép: "Ô Giê-ru-sa-lem, Ta đã chỉ định những người canh trên các tường thành ngươi; suốt ngày đêm, họ sẽ không bao giờ im lặng". Những người canh này là những người cầu nguyện. Họ phải canh gác không mệt mỏi để biết có điều gì đang xảy ra không và kêu lên nếu có điều gì xảy ra. Người cầu nguyện phải là người nhắc nhở Chúa liên tục. Đây không phải công việc của một cá nhân hay một vài người, cần phải có một nhóm người cầu nguyện như vậy. "Suốt ngày đêm, họ sẽ không bao giờ im lặng". Đây là những nhóm người cùng nhau canh gác, cùng nhau khám phá ra một điều gì đó, và cùng nhau cầu nguyện không thôi với Đức Chúa Trời. Họ cầu nguyện không ngừng nghỉ "cho đến khi nào Ngài đã lập lại Giê-ru-sa-lem và dùng thành ấy làm sự ngợi khen trên trái đất" (c.7). Chúng ta phải kiên trì trong sự cầu nguyện cho đến khi Thân Thể của Đấng Christ được gây dựng. Đức Chúa Trời cần lời cầu nguyện của chúng ta. Ngài muốn chúng ta có một linh cầu nguyện, không khí cầu nguyện và bí quyết cầu nguyện. Anh chị em ơi, chúng ta hãy chỗi dậy và học tập cầu nguyện. Chúng ta hãy tìm kiếm bí quyết cầu nguyện để có thể đáp ứng nhu cầu của Đức Chúa Trời ngày hôm nay.
Watchman Nee